Hầu hết chúng ta bắt đầu với ống kit 18-55mm đi kèm máy ảnh, sau đó mua thêm ống kính khẩu lớn, rồi đến góc rộng hoặc tele. Vậy có nên mua thêm ống góc rộng không, mua loại nào, mua rồi thì kỹ thuật sử dụng thế nào để bức ảnh không bị loãng, và thậm chí tăng thêm sức mạnh cho nội dung.
Ống góc rộng (wide lens) là loại ống kính có chiều dài tiêu cự dưới 35 mm, nếu quy đổi trên hệ full-frame. Điều này đồng nghĩa với việc, khi sử dụng loại ống kính này, bạn sẽ có những bức ảnh với trường nhìn lớn hơn 55 độ. Ống cực rộng (ultra-wide lens) thường có tiêu cự trong khoảng 20 – 24 mm hoặc thấp hơn nữa.
Đối với các máy crop frame (DX), tiêu cự ghi trên ống kính nhỏ hơn 24mm mới được coi là góc rộng do phải nhân với hệ số 1.5 hoặc 1.6 của sensor nhỏ hơn. Bạn nào sử dụng ống kit 18-55mm thì tiêu cự góc rộng sẽ nằm trong dải từ 18mm đến 24mm.
Tính chất đặc thù của chụp ảnh ở góc rộng:
– Méo hình, đặc biệt ở bốn góc, ống kính càng rộng thì càng dễ méo.
– Nhấn mạnh tỷ lệ kích thước hình ảnh, vật thể càng gần ống kính thì càng lớn và ngược lại.
– Trường ảnh sâu, ví dụ để khẩu f4 nhưng toàn ảnh vẫn có khả năng nét toàn bộ, ngược với ống tele.
Sử dụng góc rộng cho ảnh phong cảnh
Ống góc rộng có khả năng thu lại tối đa không gian hình ảnh nên đây là loại ống kính được yêu thích đặc biệt của các nhiếp ảnh gia phong cảnh và các phóng viên ảnh. Ống kính góc rộng có lẽ là chiếc ống kính phổ biến nhất cho việc chụp phong cảnh, đơn thuần vì nó thu được tối đa không gian vào khuôn hình; trời xanh, mây trắng, nắng vàng, lấy được hết.
Tuy nhiên, người chụp phong cảnh với ống kính góc rộng cần đặc biệt lưu ý những vấn đề sau:
Phối cảnh: có thể hiểu nôm na, phối cảnh trong nhiếp ảnh phong cảnh chính là tỷ lệ dành cho tiền cảnh, trung cảnh và hậu cảnh. Ví dụ, bức ảnh phong cảnh đẹp thì nên có các lớp cảnh khác nhau, tiền cảnh có thể là ngọn cây, con suối, trung cảnh là hàng cây rặng núi và hậu cảnh chính là bầu trời. Tất nhiên, không phải bức ảnh phong cảnh nào cũng cần có đủ ba yếu tố này; nhưng khi chúng ta sử dụng ống góc rộng, với không gian hình ảnh lớn như vậy, khả năng tồn tại cả ba yếu tố này rất cao. Lỗi lầm lớn nhất của các tay máy ít kinh nghiệm nằm ở khả năng phân chia phối cảnh. Thông thường, do chưa quen, nên họ hay bỏ quên tiền cảnh, hoặc có lấy tiền cảnh nhưng tiền cảnh hoàn toànkhông có nội dung gì.
Méo hình: Đặt máy ảnh quá thấp hoặc quá cao so với đường chân trời ảo của cảnh sẽ làm ảnh bị mất đối xứng. Đặc biệt, khi chúng ta chụp các tòa nhà hoặc nội thất, bắt buộc phải chú ý đến vị trí của máy ảnh. Để tránh cho các tòa nhà không bị cảm giác đổ nghiêng do tác động của ống góc rộng. Ống kính phải để ở vị trí song song với mặt đất, không chúc xuống và cũng không hướng lên trên. Tuy nhiên, nếu làm như vậy thì nhiều khả năng không thể lấy hết được các tòa nhà. Nếu chĩa máy lên trên thì tòa nhà lại bị đổ do hiệu ứng ống kính góc rộng. Do đó, chúng ta buộc phải lùi ra xa và đứng ở vị trí cao hơn hoặc cứ chụp rồi về sử dụng photoshop để sửa méo cho ảnh, “kéo” cho các tòa nhà thẳng lên. Tất nhiên nếu muốn chuyên nghiệp tối đa, chúng ta phải sử dụng loại ống kính tilt/shift đặc biệt để kiểm soát.
Thiết bị chụp phong cảnh
Đối với nhiếp ảnh phong cảnh phổ thông, chúng ta thường khép khẩu sâu (f11) để toàn ảnh được nét, phải để ISO thấp nhất, để ảnh được mịn, do đó, tốc độ màn chập sẽ rất chậm và chân máy (tripod) luôn là người bạn đồng hành của nhiếp ảnh gia phong cảnh. Vì vậy, chúng ta không cần thiết phải mua những ống kính góc rộng khẩu lớn quá đắt tiền như 24mm f1.4 vì chúng ta không cần khẩu lớn.
Đối với người dùng máy ảnh crop-frame (DX) thì nên dùng ống kính góc rộng nào để chụp phong cảnh? Thực ra mà nói, ống kính kit 18-55mm là đủ wide cho phần lớn thời gian, kéo hết về 18mm cũng rộng tương đương như 24mm trên full-frame. Người mới tập chụp ảnh vẫn nên làm theo cách này để tập luyện cho quen và không tốn nhiều chi phí. Sau khi đa thành thạo và vẫn có nhu cầu với góc rộng hơn thì những ống kính như Tokina 12-24mm f4 là gải pháp không hề tệ chút nào. Lens này nét, nhẹ, độ méo hoàn toàn chấp nhận được. Có nên bỏ thêm 4-5 triệu nữa để mua lens 11-16mm f2.8 có độ mở lớn hơn hay không thì tùy yêu cầu, nhưng có lẽ không cần thiết lắm cho chụp phong cảnh vì ống kính super wide thì khả năng bị rung tay mất nét thấp hơn normal và tele nhiều. Có thiệt một khẩu cũng ko sao.
Các phụ kiện hỗ trợ cũng rất cần thiết trong một số trường hợp chụp phong cảnh góc rộng, cụ thể như ND filter có chức năng làm tối ánh sáng để chụp phơi sáng lúc ban ngày, CPL filter để tạo tương phản tốt hơn cho trời xanh mây trắng nổi bật hay như dây bấm để máy không bị rung.
Sử dụng góc rộng cho ảnh phóng sự
Tùy vào từng đặc thù khác nhau của công việc mà các phóng viên ảnh chọn cho mình một dàn ống kính khác nhau. Trái ngược với những phóng viên thể thao khi các ống tele là bắt buộc thì những phóng viên thời sự xã hội luôn phải có những ống kính góc rộng với hai lý do chính:
Không gian chật hẹp
Chỉ có ống góc rộng mới có thể lấy được toàn bộ khung hình cần thiết khi phóng viên không còn chỗ để lùi, đặc biệt ở khung cảnh trong nhà, những sự kiện diễn ra nơi chật hẹp hay khi làm phóng sự trong phố cổ. Ngoài ra, ở những sự kiện thời sự nóng hổi khi rất đông phóng viên chen lên phía trước để tiếp cận với chủ thể thì ống góc rộng sẽ phát huy lợi thế rõ ràng.
Một lợi thế nhỏ nữa của ống góc rộng là khả năng “đánh lừa” các chủ thể phụ khi họ nghĩ rằng phóng viên quay lệch ống kính đi chỗ khác, chụp người khác chứ không lấy họ vào khung hình. Điều đó giúp chúng ta dễ nắm bắt được những khoảnh khắc tự nhiên.
Hiệu ứng tương tác
Như các phóng viên thường nói, càng đứng gần chủ thể thì ta sẽ “thấy” được càng nhiều hơn. Từ đó, bức ảnh có thêm sức mạnh trong việc truyền tải thông điệp. Hiệu ứng góc rộng còn mang đến cho người xem sự tương tác mạnh mẽ hơn với các nhân vật trong bức ảnh.
Khác với việc méo hình của phong cảnh, phóng sự liên quan đến con người nhiều hơn. Chúng ta cố gắng bố cục tránh đưa đầu người vào bốn góc của khung hình. Nếu sử dụng hợp lý thì hiệu ứng méo hình còn làm tăng hiệu quả của bức ảnh. Ví dụ như khi chụp một người với một vật thể, có thể dùng ống góc rộng để nhấn mạnh vào nhân vật hay đồ vật để tạo ra sự méo hình – đem lại cảm giác so sánh lớn nhỏ tương tác giữa người và vật, tạo xúc cảm cho bức ảnh.
Bố cục
Sử dụng ống góc rộng không hề dễ dàng, đòi hỏi quá trình làm việc để có thể rút ra những kinh nghiệm sử dụng. Tại tiêu cự 16 – 17mm, điều khó khăn trước mắt là với khung hình quá rộng, bố cục dễ dàng trở nên lỏng lẻo nếu khoảng cách của phóng viên với chủ thể không hợp lý, chúng ta có thể khắc phục bằng cách tiến gần lại hoặc zoom in.
Tuy nhiên, trên thực tế, nhất là việc làm phóng sự, không phải lúc nào chúng ta cũng có thể làm như vậy, có thể khung cảnh không đủ ba lớp hoặc thời gian không cho phép khi khoảnh khắc đến quá nhanh. Cách hợp lý nhất là việc kiểm soát không gian thừa. Nếu không gian thừa không giúp gì cho bức ảnh trong việc truyền tải nội dung thì ta nên cắt bỏ.
Thiết bị
Đối với máy ảnh full-frame, ống kính zoom16-35mm f2.8 là loại ống kính được các phóng viên rất ưa chuộng. Ngoài ra, còn có ống 24mm f1.4 cực kỳ thích hợp khi làm các phóng sự buổi tối. Đây không phải là những ống kính nhẹ cân nhưng đối với các phóng viên, họ buộc phải chấp nhận tập tạ để có thể mang một máy nhà nghề có gắn những ống kính này. Những người dùng máy ảnh loại crop-frame hoàn toàn có thể xem xét ống Tokina 11-16mm f2.8. Ngược với chụp phong cảnh góc rộng, chụp phóng sự bằng ống góc rộng cần nhanh, linh hoạt cao và thường chụp trong môi trường thiếu sáng nên và không thể dùng tripod như phong cảnh được nên độ mở của lens càng lớn càng tốt, tức là f2.8 sẽ hợp lý hơn f4.
Nói tóm lại, ống kính góc rộng đôi khi “gây nghiện” cho người dùng, đặc biệt khi chúng ta làm chủ được nó. Tuy nhiên, không vì vậy mà chúng ta quá lạm dụng góc rộng để gây kịch tính cho bức ảnh, nhất là khi chụp phóng sự. Là loại ống kính rất phổ biến, ống kính góc rộng là thiết bị chủ đạo cho ảnh phong cảnh và là “ngòi bút” độc đáo. sinh động để viết nên câu chuyện cho phóng sự ấn tượng.
Sưu tầm
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét