Latest News

Mê mày mò, triệu điều hay

Thứ Sáu, 27 tháng 10, 2017

Những sai lầm phổ biến khi chụp ảnh phong cảnh

Chụp hình phong cảnh không phải quá khó khăn nhưng để tạo được một bức hình đẹp và ấn tượng lại không phải là điều dễ dàng, nhưng những tay máy mới vào nghề rất dễ hiểu sai và mắc phải.



Không chọn đúng thời điểm khi chụp hình
Trong nhiều trường hơp, ánh sáng mặt trời vào giữa trưa hay giờ chiều khi còn gay gắt có thể phá hỏng một bức ảnh phong cảnh. Do sự tương phản rõ rệt giữa vùng sáng và bóng đổ, việc phơi sáng có thể rất khó khăn. Thời khắc có thể giúp bạn có được những bức hình thực sự ấn tượng, kịch tính và thu hút nhất chính là khung giờ khi mặt trời lặn và mặt trời mọc - mà chúng ta vẫn thường nghe đến khái niệm giờ vàng. Nhờ ánh sáng mềm dịu và bầu trời đầy màu sắc, hình ảnh của bạn sẽ đạt đến cấp độ mới của vẻ đẹp tự nhiên.


Hình ảnh thiếu chủ đề rõ ràng
Khi gặp một cái gì đó lớn, nhiều người thường có xu hướng cố gắng thu trọn tất cả vào một khung hình. Không thể phủ nhận các cảnh quan rộng lớn thường đẹp và có sức hút riêng nhưng nó vẫn còn thiếu một điểm quan trọng để tạo thành một bức hình đẹp.
Trước khi nhấn nút chụp, hãy tự hỏi "đối tượng của tôi là gì?”. Mắt người phân tích hình ảnh nhìn thấy theo một cách khác, chịu ảnh hưởng nhiều bởi tầm nhìn ngoại vi với khả năng quét từ trái sang phải. Tuy nhiên máy ảnh lại “nhìn thấy” theo một cách đơn giản hơn nhiều, chỉ có thể ghi lại một phần nhỏ vào các cảm biến. Bằng cách xác định đâu là chủ đề chính, bạn mới có thể thực hiện các bước cần thiết để tạo ra hình ảnh có chất lượng hiệu quả.

Không có tiền cảnh
Một khung cảnh với màu sắc nhẹ nhàng của bình minh có thể mang đến cảm nhận tốt nhưng lại không “giữ” được sự quan tâm của người xem. Vì vậy để có được điểm nhấn đáng kể cho bức hình phong cảnh của mình, bạn cần tìm một yếu tố tiền cảnh nổi bật. Đó có thể là một cánh đồng hoa, một tảng đá, cây cối hoặc cũng có thể là một đối tượng mà con người tạo ra. Tất cả nhằm tăng thêm hiệu quả về thị giác của người xem trên khung hình.


Lười xây dựng bố cục
Tại hầu hết các danh lam thắng cảnh hoặc những địa điểm chụp ảnh thường được nhiều người lui tới, bạn sẽ thấy có những khung hình tương tự nhau từ cùng một vị trí, bố cục giống nhau...bởi người chụp không quan tâm đến việc xây dựng bố cục mà “bắt chước” theo phong cách của những người khác.
Thay vì làm theo đám đông, bạn nên đi một vòng xung quanh khu vực đó và tìm kiếm các góc nhìn độc đáo. Để có được hiệu quả về tầm nhìn tốt hơn, cần kiểm tra các góc qua kính ngắm, có thể phóng to hoặc di chuyển một chút để có được bố cục vừa ý mà không sao chép theo phong cách cũ.



Lệ thuộc vào “tự động”
Các chế độ tự động được thiết kế để mang đến hiệu quả hình ảnh ở mức trung bình trong nhiều điểu kiện. Mặc dù sẽ giúp ích nhiều cho những người chưa có kinh nghiệm, muốn chụp hình theo kiểu “mì ăn liền” nhưng nếu muốn trở thành một nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp, chắc chắn bạn sẽ không muốn chỉ có những bức ảnh ở mức trung bình. Để có được những sáng tạo riêng theo cách của mình, cần phá bỏ những rào cản an toàn, chuyển sang chế độ chỉnh tay và trải nghiệm.


Tương phản quá nhiều
Một trong những vấn đề phổ biến nhất với các bức ảnh phong cảnh đẹp là sự khác biệt tương phản rất lớn giữa tiền cảnh và bầu trời. Giải pháp không phải là cần đến một máy ảnh mới hoặc phần mềm phức tạp. Trên thực tế, một công cụ đơn giản như bộ lọc ánh sáng theo khu vực (Graduated Neutral Density-GND) là tất cả các bạn cần.
Ngoài HDR là một phương pháp hiệu quả khác, thì các bộ lọc này cho phép biến đổi ánh sáng theo từng khu vực trước khi tiếp xúc với thấu kính. GND thường có 3 mật độ chính từ 0.6, 0.9 và 1.2 có khả năng giảm độ sáng của bầu trời tương ứng là 2, 3 và 4 stop.
Trong bối cảnh mà độ chênh lệch giữa vùng này và vùng kia quá cách biệt, ví dụ chụp cảnh mà bầu trời quá sáng trong lúc một nửa kia lại nằm trong vùng bóng râm, sử dụng filter này tỏ ra hết sức hiệu quả. Có thể nói, filter này không thể thiếu được trong hành trang của những nhà nhiếp ảnh đam mê ảnh phong cảnh.

Sử dụng bộ lọc GND với phần tối ở phía trên ống kính sẽ giúp giảm tình trạng sáng quá mức của bầu trời trong khi phần tiền cảnh vẫn được phơi sáng đúng. Bạn có thể tinh chỉnh các hiệu ứng bằng cách điều chỉnh các vị trí bộ lọc lên hoặc xuống.

Lo sợ ISO cao
Bạn có thể ngạc nhiên khi biết rằng một ISO cao có thể hữu ích cho chụp ảnh phong cảnh. Điều này đặc biệt đúng khi chụp mà không có chân máy hoặc có người chuyển động trong khung hình.
Trong những trường hợp này, để tránh rung máy/hoặc chủ thể di chuyển, tốc độ màn trập không chậm hơn khoảng 1/125. Sau đó, để có được độ sâu trường ảnh lớn và giữ cho mọi thứ rõ nét từ gần đến xa, khẩu độ mong muốn của bạn sẽ là f / 11 hoặc f / 16. Khi sử dụng những thiết lập này bạn sẽ nhận thấy rằng khi chụp bị quá tối, cách đơn giản lúc này là tăng gấp đôi số ISO để giúp bức hình được sáng hơn.

Nhiều nhiếp ảnh gia thường quá nhạy cảm với nhiễu do ISO cao và không trường hợp nào sử dụng trên 800. Thay vào đó họ sẽ làm chậm tốc độ màn trập, dựa vào ổn định hình ảnh, hoặc mở khẩu độ rộng hơn. Các kết quả có thể nhìn chấp nhận được trên màn hình LCD nhỏ nhưng sẽ bị mờ khi xem ảnh thực hoặc khi in với kích thước lớn hơn.
Cũng như hầu hết các khía cạnh của nhiếp ảnh, luôn luôn những thứ bạn cần lựa chọn hoặc đánh đổi. Bạn chấp nhận một hình ảnh có một chút mờ, nhưng không bị nhiễu hạt, hay một hình ảnh sắc nét chỉ với một chút nhiễu? Rất nhiều chương trình chỉnh sửa hình ảnh hiện nay cung cấp khả năng tuyệt vời với các tùy chọn giảm nhiễu vì vậy, mối lo ngại từ nhiễu hạt khi đặt ISO cao không phải là vấn đề quá nghiêm trọng như trước đây.

Nguồn Vua nhiếp ảnh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Liên Hệ

email:admin@tuhoc.fun
website:

Recent Post