Chụp ảnh là một quá trình tìm hiểu và trau dồi kinh nghiệm liên tục. Nhưng, với những bạn mới bắt đầu, có quá nhiều điều để tìm hiểu, để nhớ, để thực hành mỗi khi nhắc đến chụp ảnh. Những ai đang tập tểnh bước vào thế giới này, đôi khi như lạc vào khu rừng rối rắm của mớ lý thuyết khô cằn chán ngấy, hoặc ngụp lặn trong mớ quan điểm được gọi là thợ ảnh lành nghề chia sẻ 7 đường 9 nẻo rối như mớ boòng boong. Thôi thì chúng ta cứ bắt đầu tập chụp từ cách lấy nét, chụp thật nhiều và chia
sẻ.
1. Tập chụp với cách lấy nét trúngVới điện thoại:Thứ nhất là nhớ giữ camera sạch sẽ, vì cầm nắm dễ dính dấu vân tay, bụi bẩn. Chịu khó lau nhẹ bằng vải mềm hay khăn mịn nếu muốn ảnh không bị mờ nhoè.
Thứ hai là vào thiết lập (setting - hình bánh xe cơ khí), hầu hết các điện thoại có chọn lựa các chế độ lấy nét. Để tập chụp chắc chắn lấy trúng nét đối tượng cần lấy nét bằng cách chọn chế độ "Single auto focus" (lấy nét điểm đơn) thay vì máy tự động lấy nét đa điểm, kể cả các vùng mà bạn không cần nét. Khi quen rồi thì bạn hãy chuyển qua các chế độ lấy nét khác tuỳ hoàn cảnh.
Thứ ba là sau khi canh khung ảnh trên màn hình là chạm ngón tay vào vị trí muốn lấy nét. Điểm đó có thể nằm bất kỳ vị trí nào trên khung hình, các góc hoặc lệch tâm. Nếu không chạm điểm lấy nét, khi bấm nút chụp, hầu hết điện thoại sẽ tự động lấy nét vùng trung tâm, và biết đâu cái bạn cần lấy nét lại không nằm ở vùng trung tâm mà máy tự động lấy nét, thế là ảnh không nét theo ý muốn.
Điện thoại có tính năng lấy nét tự động, giơ máy lên nó tự lấy nét. Nhưng, nếu cứ giơ điện thoại lên bấm liền nút chụp, thì ảnh sẽ không có độ sắc nét như ý, và máy tự lấy nét chậm hơn là chạm tay vào đúng vị trí đối tượng mà bạn cần nó nét.
Với máy ảnh:Thứ nhất là cầm máy vững và dùng khuỷu tay dựa vào cơ thể để giữ máy cố định, giảm thiểu sự rung lắc khi bấm chụp. Rất đơn giản, nhưng nhiều bạn khi bấm nút chụp với lực nhấn mạnh, máy ảnh nhún xuống, ảnh không nét.
Thứ hai là khi tập lấy nét bằng chế độ lấy nét tự động trên máy ảnh (autofocus - AF). Mà lời khuyên khi học chụp và tập lấy nét trúng là bạn bật nút chọn chế độ lấy nét điểm (single point focus mode) thay vì lấy nét vùng (area focus). Mục đích để bạn tập lấy nét chính xác điểm vào chủ thể bạn muốn nét. Sau khi canh khung, dịch chuyển điểm lấy nét vào vị trí muốn nét, bấm nửa cò để lấy nét rồi bấm nhẹ nút chụp.
2. Kiểm soát vùng nét trong ảnhMột bức ảnh thông thường đều có vùng sắc nét và vùng không sắc nét. Nghĩa là có vùng nào đó trong ảnh (cái gì đó) mà bạn muốn nó nét, cần nó nét, người xem hướng mắt vào chỗ được lấy nét mà bạn mong muốn trong bức ảnh của mình. Như vậy, bạn phải lấy nét trúng cái muốn nó nét và biết rõ vùng không cần nét. Mình chụp con chuồn này, nhưng vì phía sau là những chi tiết không đẹp dễ làm phân tâm, không muốn chúng nét và chỉ muốn nét phần đầu con chuồn thôi chẳng hạn:
Khi bạn chụp ảnh, lấy nét trúng đối tượng cần lấy nét rồi, thì các đối tượng hay cảnh vật trong ảnh ở ngoài vùng nét có thể nét ít hoặc mờ. Bạn cũng có thể kiểm soát được vùng mờ đó, mờ ít hay nhiều bằng cách thiết lập "khẩu độ ống kính" (độ mở của ống kính lớn hoặc nhỏ cho ánh sáng đi vào). Chính độ lớn hay nhỏ đó của ống kính ảnh hưởng đến độ mờ nhiều hay ít của hậu cảnh (phía sau đối tượng mà bạn lấy nét) hoặc tiền cảnh (vùng phía trước đối tượng mà bạn lấy nét).
Ví dụ tấm sau, mình chụp bông hoa và chỉ muốn nét bông hoa đó thôi, các chỗ khác không muốn nét. Mở khẩu độ lớn f/2.8 chẳng hạn.
Còn tấm này thì muốn nét nhiều hơn, khoảng ảnh rõ nét sâu hơn
Kiểm soát vùng ảnh nét bằng cách hiểu và tuỳ chọn khẩu độ ống kính phù hợp.
Khẩu độ được ký hiệu bằng chữ F. Chỉ số F càng lớn (ví dụ F/22) thì khẩu độ (độ mở ống kính) càng nhỏ, và ngược lại chỉ số F càng nhỏ (ví dụ F/2.8) thì khẩu độ (độ mở ống kính) càng lớn.
Khẩu độ càng lớn: độ sâu trường ảnh (DOF) càng mỏng, nông. Nghĩa là phía trước và phía sau của đối tượng nét mờ nhoè, tạo hiệu ứng Bokeh (tiếng Nhật nghĩa là mờ), làm cho đối tượng nét được nổi bật hơn trong vùng lấy nét.
Khẩu độ càng nhỏ: độ sâu trường ảnh (DOF) càng dày, sâu. Nghĩa là các vật thể trước và sau đối tượng mà bạn lấy nét cũng được nét (ít hoặc nhiều tuỳ khẩu độ), vì vậy khép khẩu nhỏ để nét sâu, dày phù hợp với chụp phong cảnh, toàn cảnh được rõ nét.
Đọc thêm: Chọn khẩu độ thế nào để làm chủ vùng ảnh rõ (DOF - độ sâu trường ảnh)
Khi nào thì chọn khẩu độ lớn / nhỏ?
Tuỳ theo đối tượng khác nhau và ý muốn tạo ra sự khác biệt cho bức ảnh khác nhau thì đổi khẩu độ từ nhỏ sáng lớn. Chẳng hạn bạn chụp chân dung thì sử dụng khẩu lớn (chỉ số F nhỏ) để làm mờ hậu cảnh, làm nổi bật chân dung, nhấn mạnh đối tượng được chụp hơn. Ngược lại khi chụp phong cảnh, sử dụng khẩu nhỏ (chỉ số f lớn) để toàn cảnh được rõ nét.
3. Nguyên nhân ảnh không nét (mờ nhoè)Có rất nhiều nguyên nhân để giải thích tại sao ảnh của bạn không sắc nét. Nhưng thường chỉ cần chú ý 3 nguyên nhân chính:
Máy ảnh bị rung lắc: Nếu tay cầm máy rung lắc hay bạn vừa di chuyển vừa chụp thì bức ảnh dễ có nguy cơ bị mờ nhoè. Nếu đứng im chụp trong ánh sáng ban ngày, mà ảnh mờ thì rất có thể do bạn bấm nút chụp quá mạnh làm máy ảnh rung. Chụp quán nước ban ngày, tốc độ màn trập 1/125giây, nhưng bấm nút chụp mạnh tay, máy bị nhún xuống, ảnh mờ nhoè không nét.
Đối tượng di chuyển thì dù máy giữ cố định thì ảnh cũng có thể bị mờ nhoè. Lý do của các trường hợp này là do "tốc độ màn trập" (shutter speed) của máy không được thiết lập đủ nhanh để "bắt dính" (đóng băng) chuyển động. Tay em bé chuyển động, tốc độ màn trập chậm 1/34giây bị mờ nhoè không bắt dính nét tay em bé.
Không nét do lấy nét sai: Thay vì lấy nét trúng vào điểm / vật mà mình muốn lấy nét thì lại lấy nét vào chỗ khác. Nhiều người giơ máy lên là bấm nút chụp dù không có lý do vội vàng, kể cả máy ảnh lẫn điện thoại, không quan tâm đến phương thức lấy nét, cái cần nét thì không, cái không cần thì nét là chuyện bình thường. Như tấm dưới, mình chụp vội, thay vì lấy nét vào cô gái, mắt cô gái thì lấy trật vào cánh cửa, lại thêm khẩu lớn nên cô gái mờ. Về khoản lấy nét trúng chủ thể là không trúng.
Giải pháp:
Dù đứng yên hay di chuyển, bạn cố gắng cầm máy đúng tư thế, tay và cơ thể cố định nhất có thể để chụp bức ảnh rõ ràng và sắc nét nhất. Khuỷu tay dựa vào thân người cũng là cách để giữ máy ảnh ít rung lắc.
Nếu chụp đối tượng đang di chuyển, hoặc chính mình đang di chuyển, phải chọn "tốc độ màn trập" đủ nhanh để bắt dính nét đối tượng cần chụp.
Bật chế độ chống rung nếu máy ảnh hoặc ống kính có tích hợp chế độ này.
4. Kiểm soát chuyển độngTốc độ màn trập thường liên quan đến các chủ đề chuyển động. Chẳng hạn muốn chụp một vật thể chuyển động nhanh, bạn phải chọn tốc độ màn trập 1/500giây - 1/1000giây. Nhưng với thác nước đang chảy, bạn gắn máy cố định lên chân máy (tripod), lại có thể chụp tốc độ chậm như 1/30giây - 4 giây để làm mờ nhoè dòng nước. Như vậy, tuỳ theo ý định mà bạn sẽ chọn tốc độ màn trập phù hợp chụp chủ thể chuyển động.
Với điện thoại: Chủ đề chuyển động chỉ có thể chụp ban ngày, đủ ánh sáng, rất khó chụp trong bối cảnh thiếu sáng, ban đêm. Nếu điện thoại có chế độ chỉnh Manual thì có thể chọn tốc độ màn trập chậm để chụp hiệu ứng tạo vệt các vật sáng chuyển động.
Với máy ảnh: Cho phép chỉnh tốc độ màn trập từ mức thấp nhất như Bulb (B) đến 1/8000giây. Bạn tập bằng cách chuyển sang chế độ chụp S hoặc Tv (tuỳ ký hiệu mỗi hãng máy ảnh) để ưu tiên tuỳ chọn tốc độ màn trập.
Chụp với tốc độ màn trập nhanh:
Là bạn chụp đối tượng di chuyển nhanh và bạn muốn bắt dính (đóng băng) đối tượng rõ nét bằng cách chọn tốc độ màn trập nhanh. Chọn tốc độ để bắt dính (đóng băng) chuyển động của người ngư phủ chẳng hạn.
Đọc thêm bài: Tốc độ màn trập và lý do tại sao ảnh không nét
Chụp với tốc độ màn trập chậm:
Là bạn chụp đối tượng di chuyển nhanh và bạn muốn tạo cảm giác trực quan về sự chuyển động bằng cách làm mờ chuyển động đó (như thác nước, vệt xe chạy...) khi bạn chọn tốc độ màn trập chậm. Với tốc độ màn trập chậm, bạn phải cố định máy ảnh bằng cách đặt máy lên chân máy (tripod) hoặc bề mặt phẳng cố định.
Đọc thêm bài: màn trập, tốc độ màn trập và chụp hiệu ứng với tốc độ chậm
Chẳng hạn chụp tốc độ chậm 4 giây, sự chuyển động của sóng nước mềm mại phẳng lặng như sương khói.
Dòng thác nước mềm mại như dải lụa trắng...
Tập chụp chuyển động: Khi nào thì chọn tốc độ màn trập chậm / nhanh?
Chụp thật nhiều các đối tượng chuyển động với những gợi ý tham khảo. Khi bạn thay đổi tốc độ màn trập, hình thức sắc thái đối tượng cũng thay đổi theo. Bạn có thể chọn tốc độ màn trập nhanh để ghi lại hoạt động hoặc bạn chọn tốc độ màn trập chậm để diễn tả sắc thái chuyển động, sự mềm mại hay vệt chuyển động của đối tượng. Tuỳ theo ý đồ của bạn, bạn sẽ biết chọn tốc độ thế nào. Tập chụp nhiều, bạn sẽ kiểm soát được tốc độ màn trập khi chụp đối tượng chuyển động như một phản xạ tự nhiên mà không còn bỡ ngỡ.
Mở rộng thêm: Trong trường hợp không gắn chân máy, tốc độ an toàn tối thiểu:
Khi chụp ở tốc độ chậm, sự rung lắc của tay cầm tác động lên thân máy làm mờ nhoè hình ảnh, nên công nghệ chống rung IS, VR...khi tích hợp vào các ống kính hay thân máy giúp giảm mờ nhoè ảnh. Người ta có thể chụp ảnh rõ nét ở một khoảng tốc độ chậm nào đó, nhưng không phải ống kính nào cũng có tính năng chống rung.
Để hạn chế sự rung lắc tay cầm máy ảnh khi chụp ở tốc độ quá chậm, chúng ta có cái bảng gợi ý sau.
Ánh nắng chiếu trực tiếp vào ống kính:
Xem một bức ảnh chụp ban ngày nắng đẹp, nhưng cảm giác ảnh bị mờ như có lớp sương mù phủ lên ảnh. Rất có thể là do bạn chụp ngược sáng (ống kính hướng về phía nguồn sáng: mặt trời hoặc đèn), ánh sáng chiếu trực tiếp vào ống kính máy ảnh, khiến ảnh của bạn như mù sương. Hiện tượng này do các tia sáng khi đi qua ống kính, tạo sự phản chiếu nhiều hướng bên trong ống kính và máy ảnh, làm nhiễu loạn hình ảnh.
Giải pháp:
Chọn hướng sáng khác để chụp, hoặc sử dụng loa che nắng gắn trên ống kính (hood). Với điện thoại, có thể chế một vòng che tia sáng xiên chiếu vào ống kính, hoặc lấy tay che.
Sử dụng Hood: Thường thì sử dụng hood (loa che) ở đầu ống kính mà khi mua đi kèm là đủ. Nếu nhu cầu phức tạp hơn thì có những loại hood chuyên dùng có thể điều chỉnh được. Nhất thời thì có thể dùng tay, tờ giấy, hay vật thể gì đó che phía hướng sáng ngăn không cho đi vào ống kính lúc chụp.
Có tiền thì cứ sắm ống kính cao cấp, tráng phủ các lớp chống chói chống flare...
Ống kính một tiêu cự thì thường ít hiện tượng flare hơn ống kính đa tiêu cự (zoom).
Chọn góc chụp, góc nhìn, bố cục... sao cho nguồn sáng mạnh không chiếu vào ống kính trực tiếp.
Đọc thêm: Hiện tượng flare là gì và giải pháp
Tấm này bị flare, tia sáng mặt trời tạo ra lớp sương mù và vệt sáng
Hạ máy thấp xuống một chút, tia sáng mạnh của mặt trời không chiếu thẳng vào ống kính:
Bên trên chỉ là dành cho các bạn mới học chụp, hiểu và tập lấy nét cho trúng, kiểm soát được cái mình cần lấy nét. Còn một số yếu tố khác tác động gián tiếp đến độ nét chi tiết ảnh, đi sâu tìm hiểu các chế độ lấy nét trong máy ảnh và khi nào thì dùng cái nào, chúng ta sẽ bàn trong những bài sắp tới. Nguồn Vua nhiếp ảnh
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét